CUỐN NHẬT KÍ
tìm thấy ở đất trời phương Nam
Bọn trẻ con ở Tân đảo hồi Thế chiến thứ hai vô tư thế này đây...
Jean Vanson Vanuatu
sưu tầm và lên trang Blog
LỜI NÓI ĐẦU
“Mang
chuông đến tận xứ người,
Chẳng
kêu cũng đánh mấy hồi xem sao”.
Xuất xứ. Việc trình làng “Cuốn nhật kí tìm thấy ở đất trời
phương Nam” có nhiều lý do khác nhau. Nhưng mục đích chính vẫn là muốn nêu lên
những sự việc, những câu chuyện đơn giản nhưng có thực về cuộc sống đời thường
của người dân phu mộ Việt Nam thời kì nô lệ thế kỉ 20 ở Tân đảo mà thôi. Buồn
vui lẫn lộn. Văn không có tham vọng lớn ngoài việc mong muốn kể lại những điều tai
nghe và mắt thấy.
Thật tình cờ và thú vị khi tìm lại được cuốn nhật kí sau
hơn ba chục năm lưu lạc nơi xứ người. Hồi mới
trở lại Tân đảo (Nay là Vanuatu), Văn
nhớ lại là hồi xưa có ghi nhật kí trên một cuốn Agenda dầy cộp của hàng CFNH. Hồi trai trẻ không hiểu sao Văn lại thích
ghi chép những cái linh tinh. Ngoài cuốn nhật kí, Văn còn có cả bộ an-bom
sưu tập hàng mấy trăm con tem cũ của các nước trên Thế giới.
Ghi nhật kí để làm gì nhỉ? Chính Văn cũng không hình dung
được tại sao? Cuốn nhật kí bắt đầu được ghi từ ngày sau khi Văn thôi dậy học ở
Tagabe cuối năm 1958. Nói đi nói lại, chả qua nói thật. Mà cái thật ở đây ai
cũng hiểu. Đó là tuổi trẻ, mà đã là trẻ thì chả ai thoát được cái vòng luẩn
quẩn của chuyện yêu đương. Chắc chắn Văn không phải là người duy nhất ghi nhật
kí về những chuyện yêu đương dù là thầm kín mà chỉ đôi trai gái mới thấu hiểu
được. Tình yêu tuổi trẻ đã được vinh danh như một biểu tượng tuyệt đẹp của cuộc
sống.
Người ta thường nói: “Cuộc đời không có tình yêu. Ví như Trái đất không có Mặt trời vậy"...
Người ta thường nói: “Cuộc đời không có tình yêu. Ví như Trái đất không có Mặt trời vậy"...
Cuốn Nhật kí của những năm xưa...
...
Đến
khi hồi hương, không có gì làm quà lưu niệm. Văn đành tặng lại gia đình bà chị
ruột cuốn nhật kí và
bộ tem này làm kỉ niệm. Nay tìm lại được cuốn nhật kí. Còn an-bom tem thì không
ai còn nhớ đến nữa. Cuốn sách có ghi
tiếng Việt, tiếng Tây và cả tiếng đen Bich-la-mà nữa (Bislama). Sau hơn
40 năm, cuốn sách đó gần như còn nguyên vẹn. Nhưng đã vàng ố, rách nát nhiều
chỗ, trang nọ dính trang kia. Chữ bị nhòe vì viết bằng mực. Có trang viết bằng
bút bi lấn cả bút chì. Rất khó đọc. Cuốn sách tìm thấy dưới đáy một thùng gỗ đã bị mọt trong
kho chứa đồ cũ của nhà cháu Pie.
Tranh thủ cóp lại trên vi tính...
Cũng may mà sau đó,
lúc rảnh rỗi Văn đã
dành thời gian chép lại gần như toàn bộ cuốn nhật kí đó vào máy vi tính. Nếu
không thì các tư liệu thông tin cũng đã theo siêu bão PAM đầu năm 2015 đưa cuốn
sách đó về với dĩ vãng xa xưa của nó rồi. Một điều cần lưu ý là phần đầu cuốn
nhật kí nói nhiều về người lính Mỹ. Vì hồi còn trẻ con Văn đã được tiếp xúc và
gần gũi người lính Mỹ. Chắc chắn những người đã từng sinh ra hoặc được sinh
sống trong thời kì trước Thế chiến thứ hai tại Thài bình dương sẽ đánh giá đúng
sự thật về người lính Mỹ ở Tân đảo. Chính người Mỹ đã góp phần trong việc giải
phóng ách nô lệ tại xứ sở này và làm cho cuộc sống của người phu mộ chân đăng ở
Tân đảo bước sang một trang sử mới với quyền bình đẳng, tự do và công lý. Còn ở
các nơi khác trên Thê giới, người ta có
một cách nhìn nhận khác biệt về người lính Mỹ.
Bộ sưu tập tem Tân đảo xưa cũng giống thế này
Văn đã rà soát và cố gắng chép lại theo trình tự, dựa vào
các đoạn ghi linh tinh trên cuốn nhật
kí. Thú thực, khi đọc lại cuốn nhật kí do chính tay mình ghi chép thật xúc
động. Nhưng cũng thấy hết sức trẻ con và ngộ nghĩnh đến buồn cười. Vì có những
chuyện đã quên phéng từ lâu rồi. Đồng thời
đã phải sửa đổi, bổ sung một số chi tiết cho phù hợp với thời cuộc. Vậy
xin lần lượt sao chép lại và đưa vào Blog để chia sẻ kỉ niệm xưa cùng với các
thành viên trong gia đình. Đồng thời cũng mong muốn chia sẻ chút kỉ niệm với
bạn bè thân bằng cố hữu xa gần. Vậy
chúng ta hãy cùng nhau xem lại nhật kí ghi chép được những gì nhé. Và
nếu có gì trái tai gai mắt cũng xin được mọi người lượng thứ...
PHẦN MỘT
Tự thuật
Nhìn ảnh này, ít ai nghĩ rằng hồi còn
nhỏ, đó là Văn. Con trai út của ông bà
Cai Son ở Khu Máy Cà-phê. Lúc bé, chắc là út ít nên gọi là Giống. Đi học trường
Sơ, bà giáo Tây nghe không rõ nên gọi trệch là Giăng. Học trường Ecole publique
francaise bà giáo Pháp gốc Tây Ban nha lại đặt tên là Jean Son vì bố đẻ tên là
ông Cai Son. Cái bằng xếp-mi-ca cũng ghi Jean Son. Khai sinh là Văn Đại... Đó chính
là chú nhóc bé tí, đen thui thường lon ton bám theo mẹ đi
bới bãi rác của lính Mỹ ở Phông-na-bê (Fond de la Baie tức phía cuối vịnh Vila)
những năm 1942-1946.
Gốc gác. Văn được sinh
ra ở khu đất cao, cây cối rậm rạp nằm xế bên kia nhà tù ka-la-buột (kalabus)
gọi theo tiếng đen gốc Bồ đào nha. Chả là cái đất nước này do một nhà hàng hải
người Bồ có tên là Quê-rốt (Pedros de Quieros) phát hiện vào năm 1606. Mà sau
này không hiểu sao các chánh án của Tòa án hỗn hợp (Tribunal mixte) ở Port Vila
đều là người Bồ đào nha chỉ đạo.
Ca-la-buột (Kalabus) tức nhà tù
Ba của Văn là ông Cai Son, sau khi mãn hạn
mấy khóa hợp đồng ở đồn điền Belloc gần
Tuk Tuk, đã về làm phụ bếp cho ông chánh cẩm Phăng-xoa Rô-xi (Francois Rossi)
ngay tại trung tâm thành phố. Ông Cai Son nguyên là một cựu chiến binh đã từng
tham gia thế chiến thứ nhất 1914-1918 tại Pháp.
Bởi vậy, đôi khi ông cũng huấn luyện cho
mấy anh lính Bảo an của Pháp gần cạnh đó mấy bước. Vì ông nói được tiếng Pháp
và tiếng đen khá trôi chẩy. Đó là chuyện sau này được nghe ông binh Quả kể lại
mới biết. Có người kể lại là Văn được sinh ra tại nhà thương Tây (Hôpital
francais). Giấy chứng nhận ngày sinh tháng đẻ của Văn cũng được ghi vào quyển
sổ khai sinh của Tây (Registres de naissances européens). Mãi gần đây, khi làm
thủ tục xin trích sao Khai sinh mới biết.
Những ghi chép linh tinh trong cuốn nhật kí
Dân Máy Cà phê. Gia đình
ba má Văn chuyển về sinh sống ở khu Máy Cà-phê từ bao giờ thì không biết. Cái
mà Văn nhớ nhất là hồi đó, Bà Mùi tức bà Cai Son thường dẫn ông anh cả có tên
là Phấn nhớn và
Văn đến bãi rác để bới nhặt những đồ hộp, mẩu bánh mì, củ khoai
tây và tất cả những
gì có thể ăn được mang về để nuôi mấy
con ngan, con gà và... cả con người nữa. Cái gì người không xài được thì để dành nuôi gà ngan. Đó cũng là nguồn thu nhập đáng kể lúc bấy
giờ, vì mấy chú khách (tầu) trên tỉnh ưa loại gia cầm này lắm. Cứ như vậy, mấy
mẹ con tần tảo nuôi nhau. Cũng lạ là hồi ấy nhà nghèo nhưng anh em Văn cũng vô
tư như bọn trẻ con khác. Mặt mũi bẩn thỉu, quần áo nhếch nhác nhưng vẫn đi chơi
khăng, chơi bi, chơi trốn với bọn trẻ cùng xóm. Đen, Tây, Ta, Tầu, Lai đủ loại
mầu da nhưng đều nói một thứ tiếng đen giống nhau. Là trẻ con cho nên dễ trở
thành bạn bè, không có sự phân biệt nào cả. Người lớn thì có sự phân biệt rõ
ràng: dân sống ở khu vực nào thì gọi luôn tên khu vực ấy. Thí dụ làm ở đồn điền
Phùa thì gọi dân sở Phùa, ở Tỉnh thị gọi dân Tỉnh, Tagabe thì gọi dân Tagabe. Dân
Ba-lăng, dân A-le v.v... Hoặc dân Vila, Xăng-tô hay Lu-me cũng thế. Nhất là
cùng làng cùng Tỉnh thì các cụ coi nhau như anh em ruột thịt vậy. Thật rõ ràng
và nhân tính.
Nhà của ba má Văn ở gần chỗ này
Nhà ở tại khu Máy Cà-phê là nhà thuê của
ông Mi-tít (Mitride). Cái nhà gia đình ba má Văn thuê để ở là nhà khung gỗ lợp
tôn, Rộng hơn 4 mét, dài khoảng 6 mét. Xây cất trên nền xi-măng cao khoảng hơn
1 mét. Họ xây nền nhà cao vì sát với mép nước biển. Ngồi bên cửa sổ cũng nhìn
thấy rõ từng đàn cá bơi lợi dưới nước biển xanh trong. Mỗi tháng ông Mi-tit đến
đưa biên lai thu tiền nhà. Tiền thuê nhà hồi đó lúc đầu là 80 quan sau tăng lên
120 quan tiền Pháp (franc francais). Một cái bánh mì tây là 5 quan. Một xâu cá
đối to tướng cũng chỉ bán được 20 quan. Từ nhà đi bộ lên Tỉnh xa khoảng 2 cây
số. Đi xuôi xuống bãi rác ở cuối vịnh cũng quãng đường như vậy. Nhà nhìn ra
biển hương Tây nên mùa hè rât nóng. Mùa đông thì ấm áp vì có ngọn đồi che lâp
gió lạnh thổi từ hướng Nam. Suốt ngày ngụp lặn nước biển nên người Văn đen
thui. Cạnh nhà có miếng đất trống. Ba má Văn đã dựng một căn nhà bếp. Khung nhà
làm bằng cây vẹt mọc đầy ở gần nhà. Mái nhà và chung quanh ghép bằng tôn thùng
phuy sắt. Phía mép biển là chuồng nuôi gà.
Bới bãi rác (ảnh minh họa internet)
Đi nhặt đồ ở bãi rác. Nói đúng
ra thì Văn theo mẹ già đi bãi rác để chơi là chính. Vì năm, sáu tuổi có biêt
cái gì đâu. Đúng ra là Văn không dám ở nhà một mình. Sợ nhất là phải đấm lưng,
bóp đầu gối cho ông bố. Ông luôn cằn nhằn vì chứng bệnh nhức lưng mỏi gối. Đấm
mạnh quá ông la mắng đã đành. Đấm bóp nhẹ
quá cũng bị mắng. Có lần ngủ gật, bị ông dúi cho một cú lăn kềnh. Cho
nên, bằng mọi cách là phải trốn theo mẹ đi bới bãi rác. Thực ra, rác không phải
bới mà chủ yếu là nhặt nhạnh. Hồi đó, những người đổ rác rất có ý thức. Họ đổ
rác bẩn ra hẳn một góc, không đổ lẫn với khu rác của lính Mỹ. Bởi vậy, chỉ một
loáng là các loại đồ hộp thịt, hộp cá
gần hết đát, các hòm các-tông cam, táo của lính Mỹ vứt đi. Ngoài ra bánh mì
vuông còn gọi là bánh mì gối bọc ni-lông. Hơi bị cứng nhưng vẫn thơm ngon. Nhất
là những hộp bích-quy chỉ to bằng hộp sữa, bên trong mỗi hộp có bốn cái bánh
bích-quy khô, một hộp nhỏ đựng cà-phê bột và mấy cái kẹo. Họ quăng đi cả đống
như núi. Mãi sau này mới biết là hộp lương khô của lính Mỹ. Trong chớp nhoáng,
những thứ linh tinh khác đã chất thành đống.
Những thứ nhặt ở bãi rác của Mỹ cũng giống thế này
Về người lính Mỹ. Nói đến
người Mỹ thì ở Tân đảo lúc đó từ già đến trẻ, Tây, Ta và dân bản xứ ai cũng thích
họ. Vì thế chiến thứ hai ở vùng Thái bình dương mà không có lính Mỹ thì quân
đội Nhật đã làm cỏ cái xứ Tân đảo này rồi. Họ đến và đã mang bầu không khí nóng
hổi làm ấm áp lòng người. Nhất là đối với người dân cu-li phu mộ Việt nam đang
bị chế độ thực dân o ép. Người Mỹ đã mang lại tự do và quyền bình đẳng. Họ đã
giải thoát cho dân địa phương cũng như người cu-li phu mộ thoát khỏi ách nô lệ.
Họ đã giúp cho con người ở đây biết tiêu xài đồng tiền đô-la xanh. Họ đã giúp
cho người nô lệ thâm nhập vào vòng xoáy buôn bán và làm dịch vụ cải thiện cuộc
sống. Nào là buôn bán rượu lậu. Nào là giặt ủi đồ. Nào là làm các đồ trang sức bằng
vỏ ốc, vỏ hên và các quấy bằng sợi cây bù-rầu nhuộm xanh đỏ trông bắt mắt. Có
người đã trồng rau xanh để bán.
Lính Mỹ ở trên Trơi xuông, ở dưới nước lên...
Ai cũng thích người Mỹ. Hồi họ mới đến đây,
ai cũng coi họ như thần thánh. Họ từ biển đổ bộ lên bờ. Họ từ trên Trời bay xuống. Thời đó ai biết máy bay là gì.
Suốt ngày bay lượn gầm rú trên trời. Rồi những xe ủi san đất xẻ núi làm đường
cho xe chạy. Rồi những cái con tầu đen thui tự dưng đang bơi chui xuống nước
sâu gọi là tầu ngầm. Trên đường cái quan,
suốt cả ngày lẫn đêm thỉnh thoảng lại rú lên hồi còi của xe cu-lít. Lạ
mắt nhất là những máy bay quân sự cụp cánh được kéo trên đường phố đi vào Sở
Cặp-tên. Người Mỹ đã góp phần tiêu diệt cả ruồi và muỗi a-nô-phen gây bệnh sốt
rét. Cứ cách vài ngày, họ cho xe chở thuốc diệt muỗi phun suốt dọc hai bên
đường. Từ hồi đó rất ít người dùng màn để ngủ nữa. Lần đầu tiên Văn nhìn thấy
người lính Mỹ lúc 6 tuổi. Họ cũng giống như người Tây hoặc người đen bản xứ.
Chỉ khác là họ mặc quần áo lính, mang súng ống đầy người và họ luôn nhai kẹo
xinh-gồm.
Nhà khum bán nguyệt của lính Mỹ. Chỉ người
gốc ở Tân đảo mới thây hết được cái văn minh của quân đội Mỹ trong việc xây
dựng doanh trại. Tất nhiên là có cả nhà bằng vải bạt di chuyển đi đâu cũng
tiện. Đặc biệt là những nhà khum bán nguyệt cố định. Chỉ trong vòng ba ngày họ
xây dựng được tới vài chục cái nhà. Chiều ngang khoảng 5 mét. Dài khoảng 15
mét. Sau này trường học Công đoàn, Cộng
hòa, Hội quán Liên Việt và Nhà thờ Giáo xứ Thiên môn cũng tận dụng nhà khum của
Mỹ. Hiện nay chỉ còn lại duy nhất cái mái khum Nhà thờ Giáo xứ Thiên môn (Porte
du Ciel) ở Port Vila và nhà kho của gia đình cụ cố Phùa ở Tagabe Vanuatu. Tất
nhiên là loại nhà khum này ở bên đảo Santo còn lại rất nhiều. Vì số lượng lính
Mỹ đóng quân ở đó nhiêu hơn Vila.
Đồng đô-la xanh bằng giấy và kim loại
Tiền đô-la xanh và lính Mỹ. Cái mà bọn
Văn nhớ nhất hồi còn bé là hàng ngày ngồi móc lộn túi quần của lính Mỹ để cho
mẹ giặt. Thường là nhặt được những đồng đô-la bằng kim loại, đôi khi cả những
đồng tiền giấy đô-la xanh. Có khi cà đồng hồ và nhẫn vàng. Nhưng không biết giá
trị của đồng tiền. Vì có biết đọc chữ số đâu. Thích nữa là mỗi anh lính mang
quần áo đến cho mẹ giặt thường cho bọn anh em Văn thanh xô-cô-la hoặc thỏi
xinh-gồm (Chewing gum). Bọn Văn chỉ biết nói tiếng đen bích-la-mà (Bislama),
thế mà họ cũng hiểu. Mãi sau này mới biết là gốc tiếng đen ở đây chính là tiếng
Ăng-lê. Lúc đầu, lính Mỹ rất e dè với người Việt vì họ tưởng là người Nhật. Họ
hỏi có phải là người Nhật không (You’re not Japs). Khi biết bọn Văn không phải
là Japs thì họ xoa đầu mỉm cười. Chả là xế bên kia đường chỗ đất trống và nhà
kho của cụ Cố-tà (Coustard) được trưng dụng làm doanh trại của lính Mỹ mà. Hàng ngày bọn
Văn vẫn la cà sang đó chơi và xem bọn lĩnh tập. Đôi khi được anh lính nấu bếp
cho hẳn con gà quay vàng rộm. Trông thì thơm ngon nhưng nó ngọt, khó ăn quá.
Hình như họ cho mật ong và sốt cà chua thì phải. Cái ông chỉ huy hay thích bẹo
má và ôm Văn vào lòng. Chắc là ông ta nhớ con cái đang ở quê Tếch-dớt (Texas).
Menu hằng ngày của lính Mỹ (Internet)
Hộp đồ ăn lương khô của lính Mỹ. Bọn Văn la
cà ở doanh trại, lính Mỹ thường dúi cho mấy hộp đồ ăn. Mỗi hộp tròn to như hộp
sữa nhưng cao hơn một chút. Trong mỗi hộp đựng mấy cái bánh bích quy, hộp cà
phê bột, thanh xô-cô-la, mấy viên kẹo và vài cục đường. Sau này thấy háng đống
hộp như vậy đầy như núi ở bãi rác.
Bãi chiếu bóng ngoài trời của lính Mỹ (internet)
Xem chiếu bóng ngoài trời. Nhớ mãi
hồi nhỏ, cứ tối thứ bẩy là anh Dũng lại lôi đi xem mu-vì (movies) tức xi-nê (cinema) và xô (show)
ở trên dốc gốc vối. Vì không mất tiền. Chỗ đất trống phia trên là Tòa sứ Pháp. Bây giờ là
Tòa thị chính thành phố Vila. Xi-nê là chiếu bóng thì ai cũng biết. Nhưng xô
thì ít người biết. Ngoài ban nhạc kèn trống thì có các cô gái trắng nõn tuyệt
đẹp chỉ mặc bộ đồ tắm biển nhẩy múa theo điệu nhạc xập xình. Trẻ con chưa biết
gì nhưng nhìn cũng thấy thích. Mắt trố ra đã đành, mồm còn há to hơn nữa. Sau mỗi
cuốn phim lại kháo nhau về những anh hùng trên phim. Vì không biết chữ nên mấy thằng toàn
thi nhau goi những tài từ là “thằng giỏi”. Đi một mình sợ ma, nên anh Dũng
thường lôi mấy thằng em đi theo. Hồi đó, nếu đi lên phố thì bắt buộc phải đi ngang
qua chỗ sở dầu. Cũng ngại, vì ở đó có cây si nổi tiếng nhiều ma. Mà đi lối nhà
thương phải qua nhà quàn xác, sau khu đề-bô lại càng hãi. Vì lối rẽ trái lại ra
thẳng nghĩa địa. Mãi sau này khi lính Mý rút đi nơi khác thì ở đây mới mọc lên
cái rạp xi-nê của ông Mông-tây, ngay sát sân vận động thành phố. Nhưng phải mất tiền mua vé vào rạp.
Anh Bồn Phơ lúc nhỏ đã từng ngồi trong máy bay loại này
Chuyện lạ có thật. Lạ nhất là
chuyện anh Bồn Phơ (Paul Pheu) lai Tây kể lại là được ông thiếu tá không quân,
bố nuôi người Mỹ đưa anh ta lên máy báy đi chơi cả mấy tiếng đồng hồ liền. Ông
này là chỉ huy pháo đài bay. Mãi sau này mới biết được là anh ta đã tham dự một
trận ném bom của không quân Mỹ xuống căn cứ quân sự của Nhật ở Cảng Guadacanal
ở đảo Solomon. Vì trẻ con nên anh Bồn không hề biết là mình đã từng ngồi trong
máy bay ném bom của quân đội Mỹ. Chuyện lạ có thật do ông Cô-lạc-đô kể lại với
nhà báo Christiane Delpech như sau:
“Paul PHEU, mon camarade vietnamien avait
été aussi adopté par un officier pilote, commandant de forteresse volante. Un
matin, il l’a cadré dans son cockpit et est allé bombarder Guadacanal au Solomon.
Quand il est revenu, Paul m’a raconté qu’il était allé faire un tour en avion.
Il n’avait que 6 ou 7 ans et n’avait pas bien réalisé qu’il était allé
bombarder Guadacanal. Rien n’était impossible pour les Américains”...
(Nhưng trớ trêu và cũng thật oái oăm. Đến
khi hồi hương về Việt nam sau này bị máy bay Mỹ ném bom giết hại nhiều người,
thì bà con chuyển sang căm ghét, thù oán Mỹ. Đến bây giờ mọi chuyện qua rồi thì mọi
người lại thích Mỹ. Vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn...)
Dùng thùng phuy ghép thành bè thật tuyệt vời...
... Lại chuyện đi nhặt rác. Không
biết thế nào mà má Văn đã nghĩ ra được một loại phương tiện đơn sơ để vận
chuyển đống rác về nhà. Lúc đầu thì gánh và vác. Sau bà đã nhặt nhạnh những
thùng phuy bằng sắt loại 200 lít. Không có loại 200 thì dùng loại 100 lít. Lăn
chúng xuỗng mép biển bên dưới chân đồi. Dùng giây thừng, giây thép buộc chằng
với nhau, tạo thành cái bè nổi. Gần đó lại có cả mấy bụi tre hoang. Chặt mấy
cây chằng buộc lên mấy thùng phuy là có cả một cái bè vững chắc. Chất rác lên
bè và đẩy về nhà. Khoảng hai cây số. Má Văn thường dẫn con cái đi lối tắt ở mép
biển. Đường mòn tuy gồ ghề đôi chút nhưng đỡ phải leo mấy cái dốc ở Máy Cà-phê.
Và có lẽ cũng để tránh cặp mắt soi mói của mấy người đi đường. Dọc theo con
đường mòn này, có mấy cây ăn quả. Nhất là mấy cây chanh ngô quả to và dôn dốt
ngọt. Rồi mấy cây na, cây quéo lúc nào cũng sai trĩu quả. Nhưng mấy loại cây
này chỉ giá trị sau khi Mỹ rút quân đi nơi khác thôi. Chứ táo cam trên đống rác
của Mỹ ngon hơn nhiều.
Cắt đôi thùng phuy làm bếp nấu thật tiện...
Thùng phuy sắt. Mấy cái
thùng phuy bằng sắt thực sự có lợi về nhiều mặt. Ngoài việt kết bè thay cho
thuyền, thùng phuy còn nhiều lợi ích khác. Thùng bằng tôn kẽm thì dùng đựng
nước mưa. Ở trong Tagabe, những ngày Lễ Tết, người ta thường dùng thùng phuy kẽm này để nấu xương bò làm
súp phở ngon tuyệt. Còn thùng bằng sắt
thì các cụ đục bỏ hai đầu và phía giữa. Uốn phẳng ra, thế là được tấm tôn dầy
dặn lợp mái nhà bền chắc. Ngoài ra các cụ còn cắt đôi thùng phuy để làm thuyền
nhỏ đi câu cá quanh bờ cũng tiện lắm.
Sau này người ta thấy có một ông người Việt
độc thân tậu được mảnh đất phía bên trên, cách đống rác khoàng gần trăm mét.
Thấy người ta gọi là ông Khuể. Ông tận dụng tôn của các thùng phuy săt xây dựng
một cửa hàng bán tạp hóa thập cẩm. Trong đó một phần là những thứ ông nhặt
nhạnh từ đống rác của Mỹ. Sau nhà của ông là chuồng gà, chuộng lợn cũng đều
ghép bằng tôn của thùng phuy nhặt bãi rác. Nghe đâu sau này ông cũng thành đạt lắm. Nhiều người sinh sống trong trại
Tagabe cũng làm nhà bằng tôn thùng phuy này. Vừa rẻ vừa bền chắc.
Cái thích của tuổi trẻ con. Văn chưa
biết đọc biết viết gì cả. Nhưng rất thích xem truyện tranh vẽ về Tác-dăng,
Superman, Mickey vân vân. Thường nhặt nhạnh đưa về nhà cho các anh chị xem.
Khoái nhất là nhặt mấy quyển Superman leo lên đống cam, táo của Mỹ. Hồi đó bọn
mình đâu có phân biệt được vệ sinh sạch bẩn ra sao. Bụng đang lép, cầm quả táo
lau vào áo rồi ngoạm luôn, nhai ngon lành. Vừa xem tranh vừa nhai táo. Không gì
sướng bằng. Mang tiếng là đống rác, nhưng toàn ngửi thấy mùi thơm của hoa quả
tươi lan tỏa. Nhớ nhất là những thùng đựng thịt ba chỉ hun khói mà người ta gọi
theo kiểu Mỹ là sờ-mốc bê-kền (Smocked Bacon). Mỗi thùng nặng 5 kí. Mỗi hòm
các-tông đựng hai thùng. Thịt ba chỉ hun khói bỏ vào chảo rán hoặc nướng than
hoa thì thôi rồi. Mùa hè cũng như mùa đông, má con bà Cai Son đều không bỏ bãi
rác. Lạ nữa là hồi ấy rất it người đi nhặt nhạnh ở bãi rác. Chỉ có mẹ con nhà
bà Cai Son mới thường xuyên có mặt ở đó.
Cái xe dép (Jeep) của ông Phó Kiễn. Hồi ấy
có lẽ ông Phó Kiễn là người Việt đầu tiên ở Vila sắm được xe ô tô của Mỹ. Một
chiếc xe dép mui vải bạt. Nghe láng máng như ông Kiễn cùng hùn vốn với ông Lầu
để tậu chiếc xe này. Cả hai ông đều mới tập lái nhưng cũng đã được cấp bằng lái xe. Một hôm hai ông chất
đầy hàng lên xe. Đến cái dốc gần đống rác xe nặng trượt theo đà bon bon xuống
dốc. Hoảng quá, ông Kiễn quát ông Lầu.
Này ông phanh nhanh lên không có thì xe đổ bây giờ. Ông Lầu ngồi ghế phụ quát
lại: thì ông lái ông phanh chứ sao lại bảo tôi. Hai ông đang luống cuống cãi
nhau thì xe đã lao vào mép núi đất, lăn kềnh. Hàng hóa tung tóe. May là hai ông
chỉ bị xây xát chút đỉnh. Sự kiện này sau trở thành chuyện cười ai cũng biết.
Nhà
nghèo. Hồi bấy
giờ, ba má Văn nghèo lắm, nghèo vào loại nhất nhì ở Vila. Nhà Văn rơi vào cảnh nghèo túng có nhiều lý do. Nhưng
về sau mỗi lần nghe má sụt sùi, nức nở lau nước mắt thì mới biết là do ba chơi cờ bạc. Ba không uống rượu, không
hút thuốc, nhưng mắc bệnh đánh bạc. Và
cũng chính vì việc ngồi chiếu bạc thâu đêm mà ba đã bị mắc bệnh trầm trọng. Má
làm lụng vất vả chắt chiu được đồng nào, thì ba
lấy đi đánh bạc hết. Đó cũng là lý do tại sao ông bà Cai Son không thể
hồi hương theo hợp đồng 5 năm được. Cụ ông làm lụng vất kiệt sức và bị tên cai
đồn điền đãnh gẫy mấy dẻ xương sườn đã đành, nhưng vì mắc nợ nhiều quá, buộc
phải kí kết gia hạn hợp đồng nhiều khóa 3 năm liên tiếp.
Câu
sò. Câu chuyện kể ra đây chắc chả ai tin vì nó
trẻ con quá. Nhưng là chuyện có thật nên Văn mới dám kể lại. Cũng vì cái nửa
thùng phuy dùng làm thuyền đó. Đã có lần suýt chết đuối vì nó. Chuyện đi câu sò
ít ai tin được. Thông thường thì chỉ nghe mọi người nói đi câu cá, bắt sò, có
ai câu sò bao giờ. Ấy thế mà Văn lại là thằng câu sò rất là “mả”. Hắn dùng đoạn
giây thép dài khoảng 1,5 mét. To cỡ 3, 4 ly gì đó. Đập dẹt một đầu, còn đầu kia
uốn lại làm tay cầm. Hằn ngồi trên chiếc thuyền phuy, nhìn thấy miệng sò hé mở.
Thế là hắn đưa que sắt vào miệng cho sò ngậm lại và kéo lên một chú sò to tướng
gần bằng nắm tay. Nắm tay trẻ con chỉ bằng một nửa nắm tay người lớn thôi. Tại
sao Văn không đi bắt sò trên bái san hô? Vì sò ở đó nhỏ và nhiều lông không
ngon. Sò sống ở cát dưới chân bãi san hô to và trắng muốt và mẩy. Chả là nước
biển ở đây trong suốt như nước mưa ấy mà. Cho nên nhìn miệng sò hé mở rất rõ.
Ngoài môn câu sò, Văn còn mê môn câu cá nữa. Hồi ấy, chưa có loại giây ni-lông
nên đi câu và thả lưới bằng loại giây gai sợi bông. Trong cái vịnh này hồi ấy
sao lắm cá thế không biết. Nào là cá pích-cô (nanh), cá (loche) bống mú, cá
đối, cá mè vàng (cá bè), cá mòi, cá nục v.v... Đi trên đường cái nhìn xuống
biển chỗ nào cũng kín cá bơi lội.
Chỉ kịp nhìn thấy con cá mập to tướng sáp vào gần bãi san hô...
Một
hôm, Văn đang mải mê kéo một con cá mắc câu thì đột nhiên đánh rầm một tiếng
thật dữ dội. Cả nửa thùng phuy và người bị hất tung lên bãi san hô... Tối sầm
mặt mũi. Chỉ kịp nhìn thấy con cá mập khủng đang há mồm đầy răng sắc nhọn...
Phần
một xin kết thúc tại đây. Sự thể ra sao, xin mời quý vị cùng các bạn xem phần
tiếp theo sẽ rõ.
Xin chân thành cảm ơn quý vị và các bạn.
Xin chúc mọi người Năm mới vui vẻ, khỏe mạnh và gặp nhiều
may mắn.