Lão Văn
PHIÊU LƯU KÝ
TÁI HỒI TÂN THẾ
Jean Vanson ghi theo lời kể của Lão Văn
Trở về Mái nhà xưa
Câu chuyện tái
hồi Tân thế của một cụ VK
LỜI NÓI ĐẦU
Người viết truyện xin
phép được mượn lời của bài hát « NGÀY VỀ » của nhạc sĩ Hoàng Giác,
với mong muốn mô tả được một phần tâm
trạng của ba mươi sáu cái lênh đênh về
cuộc đời ba chìm bẩy nổi của lão Văn.
Đúng như bà Thầy bối ở Chùa Vẻn Hải phòng đã phán năm xưa.
… Tung cánh chim
tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày
giờ đằm thắm
Nhớ phút chia ly,
ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao
ngày xanh. ..
… Trên đường tha
hương, vui gió sương
riêng lòng ta mang
mối nhớ thương
âm thầm thương
tiếc cho ngày về
tìm lại đường tơ
nay đã dứt …
… Nhắp chén men
say còn vương bóng quê hương
dừng bước tha
hương lòng đau. …
Hoa sứ trong bóng đêm - Nocturne des Roses du désert
Tiếp
theo Tập 8. Họa vô đơn chí... Vậy lão
có tìm được diệu kế gì để thoát ra khỏi cái mê cung này không? Xin mời quý vị
đón xem đoạn kế tiếp sau đây sẽ rõ…
May hơn
khôn
Lão Văn
rơi vào một trong những hoàn cảnh nan giải nhất, éo le nhất của cuộc đời. Tưởng chừng như
ngàn cân treo sợi tóc. Lục tìm trong ba mươi sáu cái kế sách, không có kế nào
khả thi. Duy chỉ còn mỗi một cái chước cuối cùng là: “Liều”. Phải liều thôi. Cùng
lúc ấy, một cảm giác lạ lùng y hệt có người xui khiến. Như một cái máy, lão vồ lấy điện thoại gọi cho cô con
gái xinh đẹp của bà chủ to nhất của hãng , nơi lão đang làm việc. May quá là may. Thường thì cô này rất
khắt khe chặt chẽ trong quản lí kinh tế tài chính. Nhất là về vấn đề vay mượn. Ấy vậy mà vận may dun dủi thế
nào, lão chưa trình bầy hết lý do. Cô ta nói gọn lỏn: Tôi hiểu rồi. Ông lên
đây lấy ngân phiếu đi. Tôi sẽ kí ngay bây giờ…
Tấm séc sáu ngàn đô thật đơn giản
… Lúc
lão mang tấm séc 6 ngàn đô đến cơ quan đại
diên mua bán nhà đất để nộp thì đồng hồ đổ chuông đúng 5 giờ chiều. Bà
Tây nọ, đại diện cho Công ty bất động sản bắt tay chúc mừng lão. Hú vía! Toát
mồ hôi hột. Quý vị thấy có run không kia chứ? Đêm hôm ấy lão mơ màng như thấy
bóng dáng bà chị ruột. Bà mỉm cười tỏ vẻ mãn nguyện rồi biến theo màn sương, không nói năng
gì. Từ hôm ấy lão luôn tâm niệm là bà chị luôn bám sát giúp đỡ lão vượt mọi khó khăn trở ngại.
Đêm hôm ấy, Lão mơ màng như thấy bóng dáng bà chị ruột hiện về...
Chưa
hết lận đận đâu nhé. Tuần sau, đến hạn phải nộp tiền thế chấp kí quỹ 30 ngàn đô
để tiến hành làm thủ tục vay tiền ngân hàng mua nhà dất. Chao ôi! 6 ngàn đô đặt
cọc đã bở hơi tai rồi. Bây giờ thế chấp 30 ngàn đô sẽ như thế nào? Một xu dính
túi chả có, biết tính sao đây?
Lại
vẫn gặp vận may
Vận may
có một không hai lại đến với lão một lần nữa: cháu Pie (con trai bà chị ruột
vừa qua đời) đã có hảo ý cho vay số tiên lớn đó. Vẫn chưa hết tai ương. Khi làm thủ tục vay tiền ở Ngân
hàng thì vấp ngay vào điều luật thứ mấy mươi không rõ nữa. Họ quy định: từ chối
không cho người trên 60 tuổi vay tiền trong điều kiện trên răng dưới cát-tút, chả
có tí gì để thế chấp. Cũng dễ hiểu vì chẳng may sau này chưa trả hết nợ mà lão
ngoẻo đột ngột thì sẽ là gánh năng, hậu quả rất lôi thôi phiền phức cho gia đình lão. Một chính sách cực kì nhân đạo.
Có thể bị đột tử. Vì làm phật lòng fan cuồng lệ rơi
May
quá. Ở Ngân hàng nọ, có chị trưởng phòng quản trị kinh doanh xinh đẹp, người gốc
gác Java. Hơi hướng con cháu chắt chút gì của cố tổng thống Xu-các-nô của In-đô
thì phải. Chị ta đã hết sức thông cảm bầy cho lão cách vay tiến bảo đảm nhất và
dễ dàng nhất. Cũng may lúc đó, hai cậu con trai lão cũng vừa được gia nhập quốc
tịch làng đen, trở thành công dân của nước cộng hòa Vatu. Thế là văn bản hợp đồng
được kí kết. Có thêm hai người tham gia vào hội vay nợ. Một cái thế chân vạc đã
hình thành với ba chữ kí dưới tên họ Nguyễn. Thời hạn vay trả trong vòng mười
năm. Và thế là bắt đầu bước vào giai đoạn kéo cầy trả nợ. Thông thường thì mười
năm chả là cái gì. Nó qua nhanh như tên bắn. Nhưng với lão thì nó dài như hàng thế
kỉ.
Trả tiền nợ cũng là nguồn tích lũy
Từ
xưa đến nay, hồi còn ở trong nước, vì bí bách nên lão cũng đã từng vay mượn
tiền nhiều lần. Số tiền tuy nhỏ nhưng lại khá lớn với lão trong điều kiện hoàn cảnh
lúc đó. Nhưng hồi ấy lão còn đang sung sức. Bây giờ tuổi đã cao, bước chân đã
gần loạng choạng mà phải đi vay số tiền lớn là cả một vấn đề. Nhiều người xung
quanh tốt bụng nhưng cũng ái ngại. Họ luôn tìm cách động viên: “Có vay có trả.
Có bột mới gột nên hồ”. Mấy anh bạn Tây cũng động viên: “Qui paie ses dettes,
s’enrichit”. Đồng nghĩa với: “Trả được Nợ cũng là một nguồn tích lũy”.
Cửa
hàng Lệ-chi tức “Quán Cây Vải”
Ít
lâu sau, với địa bàn mặt đường thuận lợi, cả nhà bắt đầu bàn tính đến chuyện xây dựng một cái
cửa hàng nho nhỏ. Chủ yếu là bán mấy thứ lặt vặt cho bọn trẻ con trường
học xế bên. Nhưng rồi
thay vào đó, chả hiểu sao một dạng siêu thị mi-ni bắt đầu hình thành. Riêng
chuyện đặt tên thương hiệu cho cửa hàng để đăng kí kinh doanh cũng thật rôm rả. Hàng
trăm ý kiến và hàng lô cái tên tuyệt đẹp của rất nhiều bạn bè thân quen và con cháu hiến
kế. Toàn những cái tên thật kêu, thật đẹp. Rắc rối là biết chọn tên của ai đây.
Tên nào cũng đáng chọn cả. Nhưng nếu chọn của người này lại không chọn tên của
người kia, cũng phiền lắm.
Cửa hạng Lệ chi - Quán Cây vải
Đang
phân vân thì bất chợt , một hôm lão ngước nhìn lên cây vải cổ thụ trước cửa
đang trổ hoa rực rỡ kín cả cây. Mấy con chim vẹt xanh đỏ đang cãi nhau chí
chóe. Thế là lão quyết định lấy ngay tên cây vải làm thương hiệu. Tìm gốc gác
lai lịch thì được biết: cây vải này do chính bàn tay người Việt làm công nhân phu mộ tại
đồn điền gia đình Cô-lạc-đâu (Colardeau) vun trồng. Họ mang giống ở tận xứ
Bắc kì sang trồng cách đây hơn 80 năm rồi. Cả làng ai cũng biết ở nơi đây có
cây vải lâu năm, cứ đến mùa sai trĩu quả đỏ ối. Như vậy cây vải có lịch sử lâu
đời hẳn hoi và cũng thuộc loại cây cổ thụ. Vậy lựa chọn tên cây vải là “Litchees” (litchi) đặt
tên cho thương hiệu. Vừa dân dã, vừa hợp tình hợp lý. Hơn nữa, ở đây mấy doanh
nghiệp lớn của người Úc họ cũng lấy tên hoa lá như vậy. Ví dụ: “Mangoes Resort”
(Nhà nghỉ cây xoài), “Coconut Palm Hotel” (Khác sạn Cành dừa) v.v…
Quán ăn Lệ chi - Litchees Takeaway
Thực
ra thi tên của cây vải viết là litchi hoặc lytchi nhưng đã cải hoán thành “Litchees”. Tên Li-Chi (Litchees Store) vừa dễ gọi, vừa
dễ nhớ. Gọi là lì-xì cũng được. Chữ nho gọi cây vải là “lệ chi”. Quán hàng
Lệ-chi nghe cũng lạ tai ra phết. Nhưng cũng từ đó quán li-chi đã nhanh chóng
trở thành quen thuộc với bàn dân thiên hạ. Đi bất cứ đâu cứ nói đến li-chi là
mọi người đều biết. Thương hiệu đã nổi cồn lên với món chả nem nóng, đặc sản VN danh bất hư truyền. Đúng ra thì món chả nem
đã được nổi tiếng từ khi cả nhà còn đang tá túc ở siêu thị Aboma kia. Chả thế
mà từ năm 1993, bên Lu-me nhóm nhạc UTIA nọ đã sáng tác bài hát “c’est pas
bon”. Trong đó có đoan ca ngợi chả nem Việt nam đó sao? (C'est pas bon les vietnamiens. Toujours manger les nem)
Xin mời click vào link này để nghe Bài
hát "C’est pas bon"
Cách
đây vài ba năm, sát bên cừa hàng mi-ni, một quán cơm bình dân mang tên
“Litchees takeaway” cũng đã mở cửa đón khách. Thực đơn trong ngày
có khoảng 6 món ăn khác nhau. Nhưng đình đám nhất vẫn là món ăn truyền thống. Đó là món chả nem nóng và món Phở bò “nam hải”. Có nghĩa
là kết hợp nguồn gốc của phở gia truyền Nam định và Hải dương made in Vanuatu. Đặc
biệt nữa là chả nem ở đây gói bằng bánh đa bột mì, nhà tự sản xuất. Dân ở đây,
từ lâu họ quen ăn chả nem gói bánh đa bột mì. Vì khi nguội không dính răng như
bánh đa bột gạo.
Phở Bò - Phở Gà
Khách
hàng người VN cũng có nhưng ít. Đông nhất là người dân bản địa. Tiếp đến là
người lai, người Pháp, người Tầu, người Phi-li-pin v.v... Người dân bản xứ
không ngớt lời khen ngợi. Họ nói: có cảm giác như thấy lại hương vị của món ăn
ngon tuyệt vời của người VN xa xưa ở xứ này. Quả là miếng ngon nhớ lâu…
Bên
cạnh thuận lợi thì vô số khó khăn cũng nấy sinh. Đó là vấn đề an ninh trật tự. Cũng do người rát nát người
bạo mà ra cơ sự. Bị ảnh
hưởng của lời đòn đại và nghe bạn
bè khuyên nhủ. Khởi
đầu, lão
thuê một nhân viên bảo về người bản xứ to cao lực lưỡng của Trung tâm bảo vệ nhân dân
PSS chính hiệu (People Security Service). Không hiểu
sao mà hầu như
tuần nào cũng bị mất trộm. Sau tăng cường lên hai người. Một ban ngày và một
ban đêm. Vẫn bị mất trộm. Thậm chí cái hắn bảo vệ đêm canh gác thế nào, mà đến cái ba-lô
đựng quần áo của hắn cũng bị trộm cuỗm mất. Tiền chi phí thuê bảo vệ trong có
ba năm mất béng trên mười ngàn đô. Mất cả chì lẫn chài.
Ngủ say như chết. Hồn vía lên mây. Trộm ra vào như đi chợ...
Điên
nhất là cái đêm mà bọn trộm dám cả
gan chui vào trong nhà cuỗm luôn cả đồng hồ và
ví tiền lão để dưới gối. Quãng ba
giờ sáng thì phải. Hình như
chúng nó bỏ thuốc mê hay sao mà cả nhà ngủ say như chết không biết gì. Chúng
còn mạo hiểm bật đèn điện sáng choang để hoạt động. Cũng may là ánh đèn chói mắt làm
lão tỉnh giấc. Thấy động chúng bỏ chạy. Gọi bảo vệ hỏi. Hắn trả lời tỉnh
queo : tôi nhìn thấy đèn sáng cứ nghĩ là nhà ông dậy sớm làm việc. Hóa ra
chúng thông đồng với nhau. Từ đấy, lão quyết định chấm dứt việc thuê bảo vệ. Và
cũng từ đấy cho đến bây giờ không còn xẩy ra nạn trộm cắp như xưa nữa.
Của đi thay người...
Lời
cảnh báo tế nhị…
Chưa
hết. Thời kì ấy, bao nhiêu chuyện về đổ vỡ ở ngân hàng: ông này bị vỡ nợ, bà
kia bị tịch biên nhà cửa cứ nhốn nháo cả lên xối vào tai lão. Làm cho lão lúc
nào cũng nơm nớp. May mà nhờ có bộ thần kinh được tôi luyện khá chai sạn nên không
ảnh hưởng mấy đến ăn ngủ của Lão. Cứ đặt mình xuống là ngáy đến sáng luôn.
Đau đầu về thông tin bất động sản...
Rồi dần dần, mọi việc lại đâu vào đấy. Nhưng bà lão thì
sốt ruột. Mỗi lần nhận được bản thanh quyết toán của ngân hàng thì la lên. Ông
phải xem lại thế nào chứ. Đã mấy năm rồi mà nợ chả thấy vơi đi tí nào cả. Bà
quên khuấy là phải cộng cái số tiền lãi phải trả cho Ngân hàng… Bỗng dưng một hôm, lão
nhận được thiệp của nhà băng. Họ mời
các khách hàng lâu năm đến dự buôi chiêu đãi nhân việc giám đốc mới đến nhậm
chức. Tổ chức ngay tại một tòa biệt thự khang trang lộng lẫy trên đồi cao. Mặt
tiền nhìn ra cửa biển tuyệt đẹp. Thông ra đại dương mênh mông sóng vỗ.
Một góc biệt thự sang trọng tại Eluk...
Nghe
lời đồn đại thì đây là ngôi biệt thự của một đại gia người gốc Việt vừa bị ngân hàng tịch biên.
Vì lý do gì thì chả ai biết. Thế thì
tiệc chiêu đãi này cũng ví như một dịp để gián tiếp nhắc nhở cảnh báo cho những ai đang còn mắc nợ Ngân hàng. Họ cố ý nhắc khéo cho mọi người hãy mở to
mắt mà nhìn. Kẻo rồi có ngày hối không kịp như chính nguyên chủ của ngôi nhà bề
thế này. Trong số khách mời hôm đó có lão Văn. Thâm thúy tế nhị đến thế là cùng...
Bữa tiệc độc nhất vô nhị tại Eluk
Đến
bây giờ thì yên tâm rồi. Sau mười năm chống đỡ vất vả thì lão không còn nợ nần
gì nữa. Mọi người thở phào nhẹ nhõm...
Họa vô
đơn chí…
Nhưng,
cái số lận đận không buông tha lão. Trước đây suốt con đường Cô-lạc-đâu này chỉ có duy
nhất một cửa hàng của lão. Mấy năm gần đây, cách nhà lão chừng 50 mét, tự dưng
mọc lên một cái siêu thị mi-ni to gấp ba lần quán cây vải. Cái siêu thị này của
một người Úc xây dựng. Một tập đoàn thương mại bên Tầu mới qua thuê lại. Chúng thuê lại nhà của người Úc để
kinh doanh với số tiền trên 6 ngàn đô la một tháng. Thôi thì chả nói ai cũng biết. Buôn bán kiểu gi cũng không lại với
mấy chú ba tầu này. Ngoài ra chúng cũng có cái lợi thế hơn là được tập đoàn rót hàng ế
ẩm thẳng từ Trung hoa lục địa. Giá cả rẻ
như bèo. Rất hợp với túi tiền của dân bản địa.
Và
chắc chả nói thì mọi người cũng đã hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của gia đình
lão: sự khởi đầu của một đoạn đường cong bắt đầu đi xuống...
Kì tới. Xin mời quý vị đón đọc: Tìm được cuốn nhật kí 50 năm về trước.
Kì tới. Xin mời quý vị đón đọc: Tìm được cuốn nhật kí 50 năm về trước.
Xin chân thành cảm ơn quý vị độc
giả đã ghé thăm, góp ý và chia sẻ trên trang Blog Tân đảo Xưa và Nay. Để biết rõ hơn về Tân
đảo/Vanuatu, xin mời quý vị click vào link này :
Xin chúc mọi người vui xuân Mậu Tuất 2018
vui vẻ, khỏe
mạnh, may mắn và hạnh phúc.