Translate

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Tập 3. "NHẬP GIA TÙY TỤC"



Lão Văn PHIÊU LƯU KÍ

Trơ về Mái nhà xưa
Hay câu chuyện tái hồi Tân thế của một VK



Jean Vanson biên soạn và lên trang Blog
 


LỜI NÓI ĐẦU

Thay cho Lời nói đầu. Người viết truyện xin phép được mượn lời của bài hát « NGÀY VỀ » của nhạc sĩ Hoàng Giác, với mong muốn  mô tả được một phần tâm trạng của  ba mươi sáu cái lênh đênh về cuộc đời  ba chìm bẩy nổi của lão Văn. Đúng như bà Thầy bối ở Chùa Vẻn Hải phòng đã phán năm xưa.

Bài hát Ngày về của Hoàng Giác

Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh. ..
… Trên đường tha hương, vui gió sương
riêng lòng ta mang mối nhớ thương
âm thầm thương tiếc cho ngày về
tìm lại đường tơ nay đã dứt …
… Nhắp chén men say còn vương bóng quê hương
dừng bước tha hương lòng đau. …




 Phần ba
Đi đâu phải theo đấy hay là
"NHẬP GIA TÙY TỤC"

Các cụ bảo: "Đất có Thổ công. Sông có Hà bá"

… Máy bay bắt đầu lao nhanh xuống phía dưới. Trong bối cảnh hoảng loạn đó không biết trong đầu óc hành khách nghĩ sao. Còn lão Văn như sực tỉnh cơn mê vội ôm chặt lấy cái đầu đang chới với choáng váng. Trong đầu lão mờ ảo hiện lên hình bóng người thân, bạn bè ...


Hỏa diệm sơn (Núi lửa) Yasur ở đảo Tanna Vanuatu (ảnh internet)

Chỉ trong vòng có mấy phút máy bay rơi ở trạng thái tự do mà lão cảm thấy lâu như hàng thế kỉ. Phải thừa nhận là tay phi công này cũng cực kì bản lĩnh. Không biết làm thế nào mà hắn đã khống chế được tình huống cực kì nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc. Hắn đã khéo léo đưa được máy bay trở về trạng thái cân bằng đúng lúc máy bay lao thẳng xuống mặt biển đen ngòm. Trong khoảnh khắc kinh hoàng đó, máy bay lại lao vút lên. Người lão bdốc ngược về phía sau. Qua ô cửa kính lão còn kịp nhìn rõ cả khói của núi lửa Yasur ở Tanna. Hú vía! Vừa tránh được nước lại vượt luôn được cả núi. Thật là “sơn thủy hữu tình”. Chả khác gì chuyện viễn tưởng...

Cố cả ban nhạc nghênh đón ngay tại sân bay

Nột nửa tiếng sau hạ cánh an toàn xuống sân bay Bauerfield Port Vila. Hôm sau đã thấy báo chí đăng tải tin nóng hổi này và không ngớt lời ca tụng  tay phi công tài ba xuất chúng. Té ra phi công lại là một người phụ nữ da trắng quý vị ạ. Bà ta đẹp, trạc trên dưới tứ tuần. Người dong dỏng nhưng không cao. Có mái tóc mầu bạch kim cắt ngắn như kiểu đàn ông. Bà ta người Niu Zi-lơn (New Zealand). Nghe láng máng tên bà ta là “Makatea”. Nếu thế thì bà này có họ hàng gì với tổ tiên gốc gác của thổ dân Mao-ri đây các bạn ạ. 

 Cơ trưởng là một phụ nữ da trắng. Cơ phó người da mầu (ảnh minh họa internet)

Cơ phó là người đàn ông có nước da ngăm đen, lực lưỡng như võ sĩ quyền anh hạng nặng. Nhưng lại là phụ lái (co-pilote). Không rõ xuất xứ ở đâu. Báo chí còn ca ngợi cả sự “can đảm” của hành khách chuyến bay đó nữa. Lão Văn cũng được thơm lây. Và chắc chắn là sung sướng hơn những người khác. Vì giấy phép lao động và giấy phép cư trú chính thức đã nằm gọn trong tay lão. 

Vội vàng lão chạy thẳng đến Bưu điện gửi ngay một cái Fax về cho bà lão và gia đình ở VN. Thời kì đó chưa biết “i-meo” (E-mail) i-miếc là cái quái gì cả... May là hồi ấy ở Việt Nam ta Bưu điện cũng đã có nhiều tiến bộ. Gửi Fax chỉ cần ghi địa chỉ rõ ràng là họ s mang đến giao tận nhà.


Món cua dừa cũng là đặc sản của quốc đảoVanuatu

Tói hôm ấy, một bữa tiệc thịnh soạn khá vui vẻ đang chờ đón lão. Chính nhờ có sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình và bạn bè thân quen đây mà lão Văn đã đạt được bước đầu mục đích chính của mình. Thôi thì đủ các loại đặc sản của Tân đảo xưa. Nhưng hôm nay lại toàn thủy hái sản thôi các vị ạ.


  
Tôm hùm hấp và sa lát cá kiểu  tai-siềng (Salade à la tahitienne)

Nào là tôm hùm luộc và nướng (ở đây người ta quen gọi là tôm rồng). Nào là cua dừa độc đáo thơm phức mà lão gần như đã quên khuấy cái  mùi vị độc đáo của nó. Vậy là hơn ba chục năm sau lão mới được thưởng thức trở lại. Ngoài cua dừa luộc, lần đầu tiên lão được thưởng thức món cua dừa rang muối. Ối giời ơi! Sao mà nó ngậy và thơm ngon thế. Và độc đáo nữa là món cá hồng pu-lê (vivaneau) trộn sa-lát kiểu tai-siêng (salade à la tahitienne). Món này không lạ lắm vì hồi ở Hải phòng đã được thưởng thức tại nhà ông bà Tài Sen rồi. Chỉ khác cái là không phải cá hồng mà là cá quả, cá sộp. Không có vị tanh. Nhưng thơm ngon không kém đâu nhé.


 
Tôm rồng chỉ chén phần thịt ở đuôi

Buồn cười. Khi ăn món tôm rồng, ở đây người ta chỉ xơi phần thịt ở đuôi, còn cái đầu dù to đến mấy cũng b đi. Tiếc của giời! lão thấy đầu tôm to và nhiều thịt quá. Thế là lão căm cụi lấy cái kẹp (pince) mầy mò moi thịt nhấm nhí ngon lành. Y như lúc chưa hồi hương khi xưa. Chủ nhà và khách khứa thấy lão xơi hết cái đầu tôm to tướng chỉ khúc khích cười. Lão nghĩ là ở bên đây mọi người hơi blãng phí nên mới  quăng hết đầu tôm đi. Hơn thế nữa là chắc họ không biết thưởng thức cái vị ngon đậm đà đặc biệt của thịt tôm trong các cái ngoe, cái còng của đầu tôm. Lão nghĩ là lão khôn hơn và sành ăn hơn dân ở đây các bạn ạ.


Món tôm rồng (Tôm hùm) trông bắt mắt

Cuối cùng. Ngon thỉ quả là ngon tuyệt cú mèo rồi. Nhưng vì xơi nhiều thứ một lúc nên thấy ngán. Không còn xác định được món gì là ngon hơn cả. Lão Văn nhận xét cái đặc biệt trong các bữa tiệc ở đây là ăn trước, nói sau. Vì thông thường thì cứ phải đầu cua, “đít cua” chán chê rồi mới nhậu. Nguội hết cả cái ăn. Đúng như các cụ dậy: “Có thực mới vực được đạo”

Mấy hôm sau bạn bè mới nhắc. Ở đây là như thế đấy ông ạ. Cứ làm theo như mọi người đi. Ở Việt khác, ở đây khác. Đi đâu phải theo đấy bạn ạ. Lão sực nhớ đến câu: “Đáo giang tùy khúc. Nhập gia phải tùy tục”...


 Dù ngon đến mấy cũng không thể quên được món ăn bình dân này được
       
Người quen sống ở nước lớn về sống nơi xứ nhỏ cũng lạc lõng chả kém gì người ở xứ nhỏ vể xứ lớn cả. Cũng như chim chích lạc vào rừng già hết. Các cụ thường bảo: “Xẩy nhà ra thì thất nghiệp”. Lão Văn thì thiếu gì kinh nghiệm sống kia chứ. Thế mà từ cách đi đứng, ăn nói nhất nhất phải rút kinh nghiêm học lại từ đầu. Ngay cách nói cũng không thể nói như ở Việt được. Vì bà con ở bên đây vẫn sử dụng ngôn ngữ của cha ông thời chân đăng phu mộ. Chả thế mà mấy năm sau đó lão trở về thăm lại gia đình ở Việt Nam. Nhiều người nhận xét thế này: "Ông già này sinh sống ở nước ngoài có mấy năm mà sao thấy ngô ngố thế nào ấy"...

 

Ví dụ: muốn tả một cái gì to đẹp mà nói “hoành tráng” thì mọi người trố mắt chả ai hiểu gì. Hoặc muốn dục ai làm nhanh chóng công việc gi mà nói “khẩn trương” thì bố Tây cũng chả hiểu. Và nhiều nhiều cái khác nữa v.v.. và v.v... Nói thế thôi chứ đừng tưởng lầm là dân ở đây họ lạc hậu đâu nhé. Còn lâu. Chỉ là thói quen của họ mà thôi. Chứ thực ra nhiều cái họ còn ma lanh và văn minh hơn cả lão Văn nhiều.


Quả thế thật. Cách đây 20 năm, cùng thời điểm đó ở Việt Nam mình chưa thấy sử dụng máy bắn đinh, máy vặn bu-lông, máy hàn nhuôm. Nhưng ngược lại, ở đây cũng có cái dở thực ấu trí đến buồn cười. Ví dụ: công nhân bản địa  đang cắt ống sắt. Được hai phần ba thì mất điện. Thế là họ ngồi tán gẫu chờ có điện trở lại làm tiếp. Họ không dùng cưa tay để cưa tiếp đâu nhé. Cái gì cũng máy hết. Không có máy thì họ chịu bó tay.


Khu phía Nam Thành phố Port Vila

Về văn hóa. Có một điều mà lão Văn hết sức ngạc nhiên nhận thấy là cách sử dụng ngôn ngữ nơi đây của một số người hơi tùy tiện. Tiếng Pháp họ rất thông thạo. Nhưng khi họ muốn giải thích một câu tiếng Pháp sang tiếng Việt thì thật là thảm hại hết chỗ nói. Vì họ không phân biệt được ý nghĩa của chủ từ chỉ định ngôi thứ  trong cách xưng hô. Đặc biệt đối với những gia đình mà con cái không rành tiếng Việt.


Một ví dụ điển hình: một cháu gái nọ nói: “Je ne sais pas si tu es d’accord ou non, mais je porte toujours cette robe”. Người bạn ngồi bên cạnh ú ớ tiếng Pháp hỏi: “cháu nó nói cái gì đấy?”. Bà giỏi tiếng Pháp giải thích nguyên văn câu nói của con gái như thế này: “Tao không biết mày có đồng ý hay không. Nhưng tao vẫn cứ mặc cái váy này”. Đáng lẽ ra phải dịch thế này: “Con không biết mẹ có đồng ý hay không, nhưng con vẫn cứ mặc chiếc váy này”.  Có nghĩa là dân ở đây chỉ biết chủ từ “je” là tao. “tu” là mày. “nous” là chúng tao và “vous” là chúng mày. Chứ không xác định được ngôi thứ vai vế của người mình đối thoại theo văn phạm ngữ pháp.



Đôi lần lão Văn cũng đã khéo léo giải thích nhưng vô vọng. Vì đó là thói quen hỉ hữu của họ rồi. Không phải một mà nhiều người hiểu và nói như vậy nó quen rồi. Cho đến tận bây giờ cũng vẫn thế. Và chắc sau này cũng vẫn vậy.

Tiếng đen tức bích-la-mà cũng đã thay đổi nhiều. Lão Văn phải học lại nhiều thứ. Cũng giống tiếng Việt bây giờ pha tạp tiếng Hán nhiều quá. Ngày xưa muốn nói về cái su-tiêng phụ nữ bằng tiếng đen thì phải nói: “wan smol basket blong putum ti-ti insaet” (một cái túi nhỏ đựng vú bên trong). Nhưng bây giờ người ta goi tên cái đó bằng tiếng Anh gọn lỏn tức là “bra”.

     

Trong một bữa tiệc nọ, có một số quan khách là Tây. Chếnh choáng chút men bia nên lão cao hứng phang luôn vài câu tiếng Pháp để chào và cảm ơn mọi người cho phải đạo.  Không biêt thế nào mà mấy hôm sau người ta xì xào bàn tán. Họ kháo: “Lão ấy về Việt bao  lâu thế mà hãy còn nói được tiếng Phớp đũng véc-bờ anh em ạ. Ở đây bọn mình toàn nói ba xí ba tú hết”. Hchưa biết là lão đã phải đầu tư mất mấy năm "mài dùi kinh sử" ở nơi đất Cảng anh hùng...


Chếnh choáng men bia

Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa. Chả bao lâu sau người ta kháo nhau là cái lão việt cộng mới sang nói tiềng Tây nghe được. Nhất là mấy người bạn lai  thì phục lão sát đất. Bởi thế ít lâu sau có mấy gia đình có con em học trường Pháp yêu cầu lão làm gia sư. Gãi đúng chỗ ngứa. Lão bèn trổ tài với những cái vừa học thêm được ở Việt Nam. Đặc biệt về ngữ pháp và văn phạm. Họ trả tiền công, lão không lấy. Lão lại muốn được cái tiếng. Bởi thế ai cũng tỏ ra thông cảm  và mến lão hơn trước.



 Đã từng làm việc tại quán rượu này tại trung tâm phố Tầu (ảnh minh họa internet)

Ngoài công việc thường làm ở xí nghiệp đóng tầu, lão tranh thủ đi làm thêm về ban đêm ở quán rượu có tên là Ma’ Baker. Tại sao họ mướn lão làm, Chỉ vì họ biết là lão không uống rượu, nhưng nói đến tên rượu gì loại nào lão cũng rành. Vì cách đấy hơn 30 năm về trước, lão đã từng làm việc tại hãng CFNH ở Vila rồi.  Đặc biệt lão không hút thuốc lá. Công việc vô cùng đơn giản. Chỉ trông nom quan sát quầy bán và kho chứa hàng. Ở đây lại chỉ dùng tiếng Anh và tiếng đen mà thôi. Mỗi tối cũng kiếm được khoảng gần hai chục đô. Quán này đông lạ lùng, toàn dân du lịch Úc. Khi đã thấm đậm hơi men, bọn họ chả còn thiết gì đến cái lịch sự của người da trắng nữa. Họ lăn lê bò toài nửa trần truồng  y trong phim sex. Họ hò hát  nhẩy múa làm náo lọan cả dẫy phố. Họ xô đẩy nhau cả ra ngoài đường làm cản trở giao thông. Dân bản địa xúm đông xúm đỏ khoái chí xem trò quỷ quái của thanh niên da trắng. Thế mới biết tác động của  thần Lưu linh nó mạnh mẽ ghê gớm như thế nào...

Làm công việc in mầu trên vải và áo gần giống như thế này...

Làm việc được ít tháng, lão xin nghỉ việc ở quán rượu vì không có sức để thức đêm. Rồi  tự nhiên, Trời xui đất khiến thế nào lão lại gặp may và làm quen với bà chủ cửa hàng bán quần áo. Bà sống độc thân. Chồng con ở tận bên Úc. Bà ta có nghề in  mầu trên áo phông và khăn tắm bán cho khách du lịch rất chạy. Thế là lão được bà ta ưu ái cho làm thêm giờ. Đúng sở trường của lão: thích vẽ, thích in hoa trên vải. Mỗi chiếc áo hoặc mảnh vải được trả công nửa đô. Làm nhiều hưởng nhiều. Lão lao vào làm không biết mệt.


Thử vận may xem sao

Lão không ngờ ở cái xứ sở bé tẹo này lại nhiều sự cám dỗ đến thế. Đó là hộp đêm, quàn rượu (bar), sòng bạc casino và cả quán ka-và nữa các bạn ạ. Toàn là những thứ mà người đời thường gọi là môn giải trí thư dán. Ở đây cái gì cũng tự do. Người bản xứ ra vào casino thoải mái như đi chợ. Bởi vậy họ đã nghèo lại nghèo thêm. Làm được đồng nào,  họ lại thích đi gửi tiền vào quán rượu và casino. Hồi xưa chi đàn ông mới được phép uống Ka-và. Bây giờ khác rồi, đàn bà cũng uống thả phanh.


Cây và rượu Ka và - Quốc hồn quốc túy của Vanuatu

Mấy ông bạn thân thỉnh thoảng đến kéo lão đi vào casino. Lão đâu có tiền để chơi. Nhưng vì cả nể và không muốn mất lòng nên cũng đi theo. Vào đó cũng thấy khoái. Nào là máy lạnh, nào là nước giải khát bia rượu phục vụ miễn phí. Lão chỉ ngồi chơi nhấm nhí ly bia. Có một lần ông bạn mua một lô đồng xèng cố tình kéo lão tham gia trò kéo máy. Hắn động viên khéo là ông chưa bao giờ chời thế nào cũng thắng. Kéo cần máy đến  mỏi tay. Một vốc xèng to tướng chỉ một loáng không còn đồng nào. Vận rủi vẫn dằng dai đeo đuổi lão. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối lão Văn sờ vào cần kéo của cái máy đánh bạc mà Tây gọi là “machine à sous”.




Thi thố vận đỏ vận đen (Ảnh minh họa internet)
 
Lão đã được xem tận mắt các đại gia biểu diễn tài nghệ trong ngành đó đen này. Ttrong đó có cả mấy chú người Việt nhà mình. Và cũng đã từng tai nghe mắt thấy sự tụt dốc không phanh của môt ngài đại gia nguyên là chủ thầu xây dựng tầm cỡ ở đây. Nghe đồn tay này nổi danh vì đã từng đi sang tận Ma-cao thi thố tài năng. Các cụ nói chả sai: “Nhân tham tài chi tử. Muốn ăn của người thi mất của nhà”.


Cuộc sống êm đềm  như mây nước (Ảnh minh họa internet)

Thế là cuộc sống của lão Văn đã bắt đầu yên ổn phẳng lặng trôi chẩy êm đềm và thơ mộng  như dòng suối Tagabe e lệ, nếu như không có một tình huống đặc biệt gây nên sự cố bất ngờ đến với lão. Đã làm đảo lộn cái không khí thanh bình êm ả mà lão đang tận hưởng...

Vậy cái gí đã và đang xẩy ra với lão? Lành hay dữ. Xin mời quý vị xem tiêp phần 4 với câu chuyện mà lão từ đặt ra cái tên là: “Lùi một bước để tiến ba bước”





Xin mời quý vị bấm vào link dưới đây để nghe bài hát "Trở về Mái nhà xưa"



Trở về mái nhà xưa




Xin chào và chân thành cảm ơn quý vị độc giả đã ghé thăm, góp ý và chia sẻ trên trang Blog Tân đảo  Xưa và Nay. Để biết rõ hơn về Tân đảo/Vanuatu, xin mời quý vị click vào link này :
Xin chúc mọi người vui vẻ, khỏe mạnh và hạnh phúc.

 




7 nhận xét:

  1. "Chính nhờ có sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình và bạn bè thân quen ở đây mà lão Văn đã đạt được bước đầu mục đích chính của mình!".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chào và thành thực cảm ơn bạn Nhật Tân Hà đã xem bài và chia sẻ trên Blog Tân đảo Xưa và Nay.Xin chúc bạn và gia đình luôn vui khỏe và hạnh phúc...

      Xóa
  2. Nhận xét của các quý vị độc giả:

    Quy Dang Cảm ơn anh đã cho mọi người được đọc tiếp tập 3 của lão già phiêu lưu ký

    Pham Van Giao
    Pham Van Giao "Ta" ở "Tây" đã về "Ta" lại sang "Tây" thường luôn "khôn" hơn "Tây" và "Ta" chỉ ở "Tây" chưa về ở "Ta"mà (y) (y) (y) (y) :v :v :v :v !

    Ngô Hồng Thái Hay quá anh Jean ạ. Chờ phần IV nhé xem.anh lập nghíệp ra sao. Thế vợ anh khg di cùng à. Anh đưa các món ăn ra thèm.quá.

    Trả lờiXóa
  3. Commentaire de Mr Trinh Tai sur Facebook:

    Trinh Tai
    Trinh Tai Đã đọc tập 1 ,tập 2,tập 3 các bài viết rất hay , rất dí dỏm , mô tả sự việc theo cách nhìn lạc quan yêu đời thêm chút hài nên bài viết mang tinh nhan văn sâu sắc. Nhung hoan canh và
    nơi mô tả trong bài viêt là nhưng nơi Chất cũng đã biet, có đặt chân đến nên thây mình được hoà mình vào và cùng song trong chuyện. Bai viết được minh họa bằng ảnh làm cho vừa chuyên nghiệp mang tính nghệ thuật sáng tạo. Bravo JVJ . Et merci

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chào và chân thành cảm ơn bạn Trinh Tai và tất cả các bạn FB khác đã xem bài viết và chia sẻ nhận xét. Thật cảm động vô cùng.

      Lời bình và cảm tưởng vô cùng tốt đẹp của các ban luôn là nguồn động viên cực kì to lớn. Là một động cơ hữu hiệu đã phát huy thêm sức mạnh và nguồn sinh lực đang bị thời gian bào mòn của lão Văn.

      Thật là vạn hạnh và xin cố gắng nhiều hơn nữa để góp vui cùng với mọi người. Hi vọng sẽ chắp thêm cánh cho nguồn vui lớn và cùng nhau vi vu lướt sóng trên mạng đại dương bao la,
      Xin chúc mọi người luôn vui khỏe và may mắn...

      Xóa
  4. Đáo giang tùy khúc. Nhập gia phải tùy tục kiểu anh thì còn gì bằng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chân thành cảm ơn bạn Hoàng Việt Quân và tất cả các bạn đã xem và chia sẻ.
      Xin chúc mọi người vui khỏe may mắn...

      Xóa